Sunday, February 20, 2011

Hạnh phúc từ nghề đổ rác

Hạnh phúc từ nghề đổ rác

17/02/2011 - 14:25 Bay Vút

Mười lăm năm hành nghề lái xe đổ rác trong ba mươi năm định cư trên đất Úc, ông Lê Phước nay đã có cuộc sống “giản dị nhưng hạnh phúc” trên xứ người.

* Bình chọnBình chọn (0)
* Ý kiếnÝ kiến (0)
* ShareChia sẻ
* PrintBản in

[title]

Những người Úc gốc Việt làm nghề đổ rác đảm nhận rất nhiều dịch vụ đa dạng như dọn rác, đào ủi và di chuyển đất đá, san lấp mặt bằng, chở rác đi đổ, cho mướn thùng rác (bin)... (Bay Vút)
Đến với nghề đổ rác

Khi nhắc đến nghề đổ rác, nhiều người hay phiến diện nghĩ đó là nghề ‘thấp hèn’, thu nhập kém và chắc hẳn cũng rất ít ai muốn làm công việc nặng nhọc, không mấy sạch sẽ và có phần nguy hiểm khi phải tiếp xúc với nhiều loại rác thải như nghề này.

Tuy nhiên, trong một xã hội văn minh như nước Úc thì quan niệm đó chưa hẳn đúng.

Những người Úc gốc Việt làm nghề đổ rác ở Úc hiện nay có khá nhiều. Họ thường đảm nhận rất nhiều dịch vụ đa dạng như dọn rác, cắt cỏ, cắt cây, đào ủi và di chuyển đất đá, san lấp mặt bằng, chở rác đi đổ, cho mướn thùng rác lớn (bin) bằng sắt đủ loại kích cỡ (từ 4 - 24 mét khối)...

Với ông Lê Phước, một người đổ rác có tiếng ở tiểu bang Victoria thì ‘nghiệp đổ rác’ đến với ông khá tình cờ vào năm 1995. Trong một lần thuê người đến dọn nhà sang nơi ở mới và phải trả phí thuê bin cộng vận chuyển lên tới 200 đô-la, ông Phước chợt nhận thấy dịch vụ đổ rác có thể đem lại thu nhập ổn định. Hơn nữa, tại thời điểm đó công việc này mới chủ yếu do người Úc bản xứ đảm nhiệm.

Đã từng trải qua rất nhiều công việc để mưu sinh trên xứ người như làm công nhân trong hãng, xưởng, buôn bán xe hơi cũ, mở tiệm bánh mì..., ông Phước quyết định thử thời vận bằng cách mua một chiếc xe vận tải chuyên dụng để hành nghề đổ rác và tận tâm phục vụ cộng đồng người Việt ở bang Victoria cho tới ngày hôm nay.
“Nghề cực nhọc và đòi hỏi bền chí”

Chúng tôi theo ông Phước trong một buổi làm việc thường ngày ở các khu vực lân cận thành phố Melbourne. Địa bàn các vùng có nhiều người Việt sinh sống như Footscray, Sunshine, Richmond... được ông thông thuộc như lòng bàn tay.

Hàng ngày, theo yêu cầu của khách hàng, ông Phước thường mang bin đến đặt trước cửa nhà của họ rồi hai, ba ngày sau quay lại lấy bin đã chứa đầy rác mang đi đổ. “Một trong những điều quan trọng là phải hỏi khách hàng rác thải của họ thuộc loại gì để mình còn lo liệu khâu phân loại, xử lý và chở đi đổ ở từng khu vực riêng đúng theo quy định của chính quyền địa phương”, ông Phước nói.

Đưa chúng tôi đến thị sát kho bãi của ông ở vùng Sunshine North, ông Phước nhịp nhàng điều khiển chiếc xe vận tải có cần trục để cẩu các loại thùng rác vào nơi quy định, rồi lái chiếc Bobcat xúc rác chạy tới chạy lui một cách ‘điêu luyện’.

“Làm nghề đổ rác có đặc thù là bắt buộc phải lái xe thuần thục, nhất là kỹ năng lui xe, thả và cẩu bin đúng vị trí”, ông Phước kể. Năm xưa khi mới bắt đầu hành nghề, ông đã tập luyện kỹ năng này mất cả tháng trời ròng rã và dĩ nhiên sau đó còn là nhiều năm tháng ‘nghề dạy nghề’ thì mới có được kinh nghiệm lái xe ‘điêu luyện’ như ngày hôm nay.

“Đừng nghĩ lái xe đổ rác là việc dễ dàng. Đây là nghề cực nhọc và đòi hỏi sự bền chí rất lớn”, ông Phước cho biết thêm. Đặc biệt là người làm nghề phải có khả năng tự học hỏi và tự đúc kết kinh nghiệm vì “chẳng có trường lớp nào đào tạo nghề hốt rác cả và hiếm ai lại... thích thú đi học nghề này”.

Để gắn bó được với nghề và có mức thu nhập ổn định, ông Phước thừa nhận rằng “phải cần cù và chịu khó làm việc, thức khuya dậy sớm, chưa kể phải rèn luyện nhiều kỹ năng hỗ trợ cho nghề”.

Điển hình là ông Phước có thể kiêm luôn nghề thợ máy và thợ hàn để tự sửa xe khi bị hư hỏng hoặc nghiên cứu chỉnh đổi kết cấu chiếc xe vận tải để thuận tiện hơn cho công việc đổ rác.

Ngoài ra ông còn phải thông thuộc đường sá, biết sắp xếp lịch trình di chuyển sao cho ít tốn kém xăng dầu cũng như phải có kĩ năng giao tiếp tốt với khách hàng và giải quyết ổn thỏa những tình huống ngoài dự kiến, ví dụ như khách hàng trả bin trễ hay lượng rác của họ nhiều hơn bin...

“Nghề này coi vậy mà không hề đơn giản”, ông Phước đúc kết.

Sau rất nhiều năm bươn chải, siêng năng chịu khó làm nghề và biết dành dụm, tái đầu tư..., ông Phước hạnh phúc khi có một mái ấm gia đình giản dị, nuôi dạy hai người con đều nên người và thành tài.
Tự hào khi phục vụ cộng đồng

Ông Lê Phước có dáng vóc bên ngoài trẻ hơn hẳn độ tuổi 60 của mình và có cách nhìn về nghề đổ rác một cách tích cực.

Bước qua định kiến của xã hội và thói quen thông thường của con người vốn không thích tiếp xúc với rác rưởi, ông Phước bày tỏ “niềm tự hào khi phục vụ mọi người”.

Theo ông, “rác là thứ bỏ đi, thứ mà ai cũng muốn nó nhanh chóng ‘biến đi’ khỏi mắt mình, khỏi nơi cư ngụ của mình. Vì vậy, những người làm nghề đổ rác giúp mọi người được toại nguyện”.

Niềm hạnh phúc của ông Phước không chỉ là mức thu nhập ổn định từ nghề đổ rác mà là “góp phần giúp cho những khách hàng nở nụ cười” mỗi khi nhà cửa, sân vườn của họ được dọn dẹp sạch sẽ.

“Có lần tôi tình cờ trông thấy hai ông bà cụ hì hục nhổ bỏ gốc cây trước cửa nhà họ. Tôi liền dừng xe bước xuống tình nguyện giúp họ nhổ cây, dọn dẹp và mang rác đi đổ mà không nhận thù lao. Không ngờ nhiều tháng sau, đến ngày Giáng sinh, tôi bất ngờ nhận được một món quà lưu niệm cảm ơn từ hai ông bà gửi đến tận nhà. Đó là một trong những kỷ niệm của nghề mà tôi rất trân trọng”, ông Phước nói.
http://www.bayvut.com.au/n%C6%B0%E1%BB%9Bc-%C3%BAc/ha%CC%A3nh-phu%CC%81c-t%C6%B0%CC%80-ngh%C3%AA%CC%80-%C4%91%C3%B4%CC%89-ra%CC%81c

No comments:

Post a Comment