Sunday, May 23, 2010

Dân Australia hãi hùng vì khoáng sản


Dân Australia hãi hùng vì khoáng sản
Cập nhật lúc 09:57, Thứ Hai, 24/05/2010 (GMT+7)
,

Phong cảnh đẹp tuyệt vời, tự nhiên phong phú, vùng mỏ than của thung lũng Upper Hunter tại New South Wales góp phần giải thích vì sao Australia thường được gọi là mỏ than của thế giới.

Những mỏ than lộ thiên khoét sâu vào lòng đất mênh mông đến nỗi khiến các xe tải vận chuyển than đá kích cỡ bằng cả một ngôi nhà đi trên trục đường nối giống như thứ đồ chơi nhỏ bé.

Một mỏ than ở Thung lũng Hunter (Ảnh abc)
Một mỏ than ở thung lũng Hunter. Ảnh: abc

Xe lửa chở hàng sau đó đưa than xuống thung lũng, tới Newcastle, cơ sở xuất khẩu than lớn nhất thế giới. Tại lối ra vào cảng, những chiếc tàu chuyên chở khổng lồ xếp hàng nhiều tuần, chờ đợi vận chuyển than tới các nước như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

34 mỏ than ở thung lũng Hunter không chỉ mang lại lợi nhuận hấp dẫn cho các công ty khai thác mỏ, mà còn tạo ra công ăn việc làm với mức lương kha khá cho cộng đồng cư dân địa phương có sinh kế phụ thuộc vào nguồn tài nguyên.

Sau đó là số tiền thuê mỏ khổng lồ trị giá hơn 1 tỉ USD mà New South Wales có thể đàng hoàng đưa vào kho bạc của bang.

Nhưng, sự thịnh vượng luôn có cái giá của nó: ảnh hưởng sức khoẻ tới cộng đồng địa phương, đặc biệt là trẻ em do chất lượng không khí tồi tàn ở trong thung lũng. Người dân ở đây sợ rằng, một khu vực giàu có cũng đồng nghĩa với một vùng ốm yếu.

Ám ảnh hen suyễn

Lên thung lũng Upper Hunter vào một ngày thu muộn với bầu trời xanh trong lại càng dễ nhận thấy từng đám mây khói bụi cuồn cuộn bốc lên từ khu mỏ.

Chỉ sau vài giờ có mặt ở đây, người ta thậm chí sẽ nếm được cả “vị kim loại” và khuôn mặt được bao phủ một lớp bụi xám. Nếu chỉ ít giờ đứng sát mỏ lộ thiên, sẽ thấy mắt nhức nhối. Ô nhiễm bị cho là nguyên nhân chính gây ra mọi vấn đề.

Năm trước, hơn 100 tấn kim loại độc hại, bao gồm thạch tín, chì và coban thải vào không khí từ các khu mỏ và nhà máy điện tại thung lũng này.

Với những người dân sống ở đây, nó đã gây ra vấn đề lớn về sức khoẻ. Nói đúng hơn, theo họ là một cuộc khủng hoảng sức khoẻ cộng đồng.

Trong tháng này, chính quyền của New South Wales đã đưa ra một báo cáo về tình trạng sức khỏe trẻ em. Báo cáo cho thấy gần 40% trẻ trong độ tuổi 9-15 ở thung lũng Hunter Valley và khu vực New England mắc bệnh hen suyễn. Con số này cao hơn nhiều so với mức trung bình của toàn bang là 12%.

Báo cáo không chỉ rõ sự liên quan trực tiếp giữa hoạt động khai thác mỏ và tỉ lệ mắc hen suyễn cao hơn nhiều mức trung bình, nhưng người dân địa phương thì không ngừng đưa ra những kết luận của riêng họ. Nhiều năm nay, họ than phiền các mỏ lộ thiên đặc biệt ảnh hưởng tới sức khỏe.

Trải nghiệm thực tế

Hãy nghe câu chuyện của Courtney Gee, một nữ sinh sống ở nông trang gần một mỏ lộ thiên trong thung lũng.

Em bị mắc chứng hen suyễn và phải dùng rất nhiều loại thuốc, gồm cả Ventolin và Seretide, để thở dễ dàng hơn. Mỗi khi bị căn bệnh này tấn công, em cảm giác hơi thở mình giống như đi qua một cọng rơm bé nhỏ.

Tại ngôi nhà nơi em trở về sau những giờ học, em vội vã, ho hắng và lao đến tủ thuốc trong bếp. Tình trạng sức khoẻ của em trở nên khá hơn mỗi khi em rời thung lũng đi nghỉ ở nơi khác. Tuy nhiên, em trở nên yếu hơn nhiều vào năm ngoái và phải nghỉ học trong ba tháng.

Gần đây, một đám mây màu cam bốc lên từ khu mỏ và trôi dạt về nơi có nông trang. Em lập tức bị đau đầu, chảy nước mắt, nước mũi. Mẹ em, bà Di Gee, mô tả tình trạng sức khỏe của con gái: "Đôi khi tôi tự hỏi con tôi thức dậy thế nào, tự hỏi liệu có thể có thêm nhiều người ra đi vì hen suyễn hay không. Tôi rất thương con, chia sẻ cùng con vì những gì con đã trải qua. Giờ đây, chúng tôi phải làm gì đó”.

Xung đột lợi ích

Peter Kennedy là một thợ mỏ cống hiến cả cuộc đời cho công việc khai thác và làm việc cho một trong những công ty mỏ lớn nhất ở thung lũng. Ông không muốn nói rõ tên công ty vì sợ bị kỷ luật hoặc sa thải.

Giờ đây, chính ông đang đấu tranh chống lại việc mở rộng các khu mỏ, vì ảnh hưởng tới chất lượng không khí trong thung lũng.

"Những gì chúng tôi chứng kiến là tỉ lệ hen suyễn, viêm phổi, viêm phế quản gia tăng không ngừng ở thế hệ con cháu chúng tôi”, ông nói. "Chúng tôi ngày càng có nhiều bằng chứng chứng tỏ vấn đề sức khoẻ cộng đồng đang ngày một tồi tệ, nguy hiểm”.

Hội đồng Khoáng sản New South Wales cho biết, các công ty khai thác mỏ đã cố gắng giảm thiểu khói bụi, rằng họ không ngừng theo dõi thực tế, đồng thời đánh giá, khả năng ảnh hưởng tới sức khoẻ là rất nghiêm trọng.

Hội đồng nhấn mạnh, công nghiệp khai khoáng có những quy định chặt chẽ và rất khó để xác định ảnh hưởng của một ngành công nghiệp tới chất lượng không khí.

Chính quyền New South Wales gần đây đã tuyên bố sẽ giám sát, kiểm tra ô nhiễm không khí chặt chẽ hơn. Họ đã thiết lập thêm nhiều thiết bị kiểm tra chất lượng không khí trong khu vực.

Tuần trước, chính quyền bang đã hủy kế hoạch phát triển một mỏ lộ thiên gần thị trấn Scone. Kế hoạch này bị các chủ đất địa phương, đặc biệt là những người hoạt động trong công nghiệp chăn nuôi ngựa giống thuần chủng phản đối mạnh mẽ.

Những nhà hoạt động môi trường như Peter Kennedy tin rằng, dù sao thì vẫn luôn tồn tại một sự xung đột rõ ràng trong lợi ích. Bởi New South Wales không thể giám sát chặt chẽ ngành công nghiệp khai thác khoáng sản như họ cần phải làm bởi sự phụ thuộc nguồn tiền thuê mỏ.

Những nhà hoạt động môi trường mong muốn có một tổ chức độc lập thực hiện việc giám sát chất lượng không khí.

Một ngày ở thung lũng Hunter, người ta được chứng kiến khoảnh khắc hoàng hôn tuyệt đẹp. Nhưng, mặt trời đã biến mất sau những dãy núi khi đám mây bụi khổng lồ dâng cao trong không khí từ một mỏ khai thác.

*

Thái An (Theo BBC)
http://vietnamnet.vn/chinhtri/201005/Dan-Australia-hai-hung-vi-khoang-san-911918/

Thursday, May 20, 2010

Hãng Úc Vào Biển VN Tìm Dầu, Ngư Dân Bất Kể TQ Cấm Biển

Hãng Úc Vào Biển VN Tìm Dầu, Ngư Dân Bất Kể TQ Cấm Biển

Không rời bỏ Biển Đông... Đó là quyết tâm của ngư dân Việt Nam, bất kể lệnh cấm đánh cá ba tháng do chính phủ Trung Quốc áp đặt trên vùng biển Hoàng sa và Trường Sa của VN.
Trong khi đó, Đài BBC loan tin rằng một công ty Úc đang cùng đối tác VN thăm dò dầu ngoaì khơi tỉnh Quảng Ngãi.
Bản tin báo Tiền Phong hôm 20-5-2010 cho biết là “Trước lệnh cấm đánh cá vô lý của Trung Quốc: 500 ngư dân liên kết bám biển Hoàng Sa.”
Bản tin viết, “Không bỏ ngư trường mặc cho lệnh cấm đánh cá đơn phương và vô lý của Trung Quốc trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam (từ ngày 16-5 đến 1-8-2010), ngư dân các tỉnh miền Trung vẫn kiên cường sát cánh bên nhau bám biển mưu sinh, quyết giữ ngư trường truyền thống của Việt Nam...
Theo thống kê của Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, đến thời điểm hiện nay, có 50 tàu thuyền và gần 500 ngư dân đang đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa, 113 tàu thuyền, 2.204 ngư dân đang đánh bắt tại vùng biển Trường Sa.
Một trong những địa bàn có số lượng ngư dân đi Hoàng Sa đông nhất hiện nay, là xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) với tổng số 24 thuyền, 235 ngư dân. Tại địa bàn này có 2 đài thông tin cộng đồng ở thôn Châu Thuận và Định Tân. Thông tin từ Hoàng Sa luôn dồn dập được chuyển về đất liền.
Theo các ngư dân, muốn bảo vệ nhau thì phải vừa làm vừa canh chừng. Chính vì vậy, tất cả các tàu thuyền đang hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa đang liên kết thông tin hết sức chặt chẽ. Khi trên biển xuất hiện một chấm đen, máy Icom trên các thuyền đã thông báo để tất cả các tàu tập trung sự chú ý, phòng tránh...”
Trong khi đó, bản tin đài BBC hôm Thứ Năm cho biết:
“Công ty thăm dò - khai thác dầu khí Neon Energy của Úc đang cùng đối tác Việt Nam thăm dò địa chấn ngoài khơi Quảng Ngãi.
Thông cáo của Neon Energy cho hay bắt đầu từ ngày 17/05, việc thăm dò địa chấn hai chiều được tiến hành ở Lô 120 ngoài khơi Quảng Ngãi...
Công tác thăm dò này do tàu khảo sát địa chấn Aquila Explorer kéo dây cáp dài 6km thực hiện trong một chiều dài 2.020 km.
Các thông số nhận được sẽ bổ sung cho kho tư liệu địa chấn mà Neon đã có từ năm 1991.
Được biết đợt khảo sát địa chấn thực hiện cùng đối tác Việt Nam là Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP).
Theo bảo vệ tàu Aquila Expoler là bốn tàu của hải quân Việt Nam và PVEP.
Neon ước tính việc thăm dò địa chấn sẽ kéo dài 25 ngày, hoặc ít hơn, nếu điều kiện thời tiết cho phép.
Giám đốc điều hành Neon Energy, Ken Charsinsky, nói hợp đồng thăm dò địa chấn là mốc dấu quan trọng cho hoạt động ngoài khơi Việt Nam của Neon và nó sẽ giúp xác định "triển vọng dầu khí", tiến tới khoan dầu và khai thác trong tương lai.”
Đaì BBC cũng ghi nhận về áp lực Trung Quốc đối với các công ty thăm dò dầu ở Biển Đông.
Bản tin BBC viết:
“...Việc khai thác dầu khí ngoài khơi lâu nay đã là chủ đề gay cấn trong quan hệ giữa các quốc gia cùng tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.
Trung Quốc, nước lớn nhất trong khu vực, cương quyết phản đối việc Việt Nam hợp tác làm ăn tại đây.
Thông qua các đại sứ quán tại nước ngoài, Bắc Kinh đã gây áp lực lên các công ty dầu khí quốc tế muốn cùng Việt Nam khai thác dầu khí tại khu vực biển đang tranh chấp.
Hồi tháng Sáu 2007, dưới áp lực của Trung Quốc, một công ty khác là Tập đoàn dầu khí Anh British Petroleum (BP) đã ngừng việc thăm dò khảo sát địa chấn tại khu vực Nam Côn Sơn, giữa Trường Sa và bờ biển Việt Nam "để cho các nước liên quan có cơ hội giải quyết vấn đề".
BP chính thức rút khỏi dự án thăm dò này vào tháng 3/2009.”

http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=4&nid=159442